Trải qua mỗi đời Tổng Bí thư, dư luận đều ồn ào vì những phát biểu mạnh miệng, nhưng phi thực tế đến mức ngây ngô.
Ông Nông Đức Mạnh từng đặt mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp tiến bộ. Tuy nhiên, đến năm 2016 thì chính quyền đã thừa nhận mục tiêu này thất bại. Thực ra, từ năm 2000, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã cho một hãng tin nước ngoài biết rằng, cải cách ở Việt Nam đến đây là bế tắc, vì vấn đề thể chế. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam không đạt được sự tiến bộ.
Ông Nguyễn Phú Trọng thì hô hào chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Ông Trọng hơn ông Mạnh ở chỗ, ông Trọng làm thật, làm rất quyết liệt, đến nỗi, từ “đốt lò” gắn với tên tuổi của ông. Tuy nhiên, dù vậy, tham nhũng vẫn không hết, mà còn có dấu hiệu bùng phát mạnh hơn. Cho nên, việc chống tham nhũng của ông Trọng chẳng khác việc “lấy xăng chữa lửa”.
Đến đời Tổng Bí thư Tô Lâm, dư luận một lần nữa lại dậy sóng về những phát biểu của ông. Đặc biệt gần đây, báo chí hay đề cập đến công cuộc cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, đây lại thêm một cái bánh vẽ nữa, hay việc tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư sẽ thật sự thành công?
Ông Nông Đức Mạnh thì cho dân ăn bánh vẽ. Ông Nguyễn Phú Trọng thì làm thật, nhưng ông làm ra cái bánh cháy khét, không ai ngửi nổi. Dưới thời ông Trọng, chính quyền thối nát vẫn hoàn thối nát, tham nhũng vẫn tràn lan và bất trị.
Lúc này là quá sớm để đánh giá, chính sách của Tô Lâm về tinh gọn bộ máy sẽ thành công, hay lại là bánh vẽ? Chất lượng và hiệu quả của việc tinh gọn gọn bộ máy như thế nào, cũng là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, dư luận dự đoán, chính sách cải cách của ông Tô Lâm chẳng qua cũng chỉ là bánh vẽ. Vì sao?
Ghế Tổng Bí thư mà ông Tô Lâm đang ngồi, chính là một “ngai vàng” trong Đảng. Ông là người đứng đầu bộ máy Đảng, còn Chủ tịch nước – trên danh nghĩa là người đứng đầu bộ máy nhà nước. Hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước đồng thời tồn tại, gọi là song trùng. Trên thế giới, ngoài hệ thống Xã hội Chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, thì không có hệ thống nào khác có bộ máy song trùng như thế.
Ở các nước dân chủ, bộ máy của các đảng chính trị không được phép sử dụng tiền thuế của dân. Các đảng chính trị được thành lập và hoạt động theo khuôn khổ của pháp luật, tự vận động kinh phí như các tổ chức xã hội dân sự.
Từ ngày Đảng lên cầm quyền đến nay, bộ máy Đảng luôn là gánh nặng đối với người dân. Như vậy, nếu thực sự ông Tô Lâm muốn tinh gọn bộ máy nhà nước, thì trước tiên, ông phải dẹp bỏ bộ máy Đảng.
Bộ máy Đảng được nuôi bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân, nhưng những chính sách mà họ ban ra, lại không hề vì dân vì nước, mà chỉ vì sự tồn vong của Đảng.
Đã gần 100 năm, bộ máy này vắt kiệt sinh khí của dân tộc. Lời thú nhận kể trên của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh cách đây 30 năm, chính là nói về bộ máy phá hoại này.
Vậy, ông Tô Lâm có thể làm gương, dẹp bỏ bộ máy Đảng không?
Chắc chắn, điều này không bao giờ xảy ra. Vậy nên, dù có hô hào như thế nào đi nữa, thì ông Tô Lâm cũng chỉ có thể cắt tỉa phần ngọn, mà không hề đụng đến vấn đề cốt lõi – chính là sự độc quyền lãnh đạo của Đảng.
Tuy ông Tô Lâm mới chỉ làm Tổng Bí thư mấy tháng, nhưng gần như chắc chắn rằng, những gì ông tuyên bố sẽ chỉ là bánh vẽ. Sẽ không có một cuộc cải cách triệt để nào như công chúng mong đợi. Dân tiếp tục oằn mình nuôi 2 bộ máy.
Khi nào Đảng Cộng sản còn lãnh đạo đất nước, dân Việt sẽ chẳng bao giờ được ăn “quả ngọt”. Bởi nếu tặng cho dân “quả ngọt”, thì Đảng và quan tham biết bòn rút từ đâu?
Thái Hà – Thoibao.de