Ngày 12/12, BBC Tiếng Việt có bài: “Vì sao 5 cựu đảng viên lãnh án tù cùng blogger Đường Văn Thái?”.
Theo đó, BBC cho biết, đã có 5 cựu đảng viên, đa phần là viên chức nhà nước, bị xét xử với cáo buộc cung cấp thông tin cho ông Đường Văn Thái – một blogger bất đồng chính kiến, từng được cho là bị Chính phủ Việt Nam bắt cóc năm 2023, khi đang tị nạn tại Thái Lan.
Thông tin này vừa được Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam, công bố, kèm theo bản chụp bản án mà tổ chức này cho hay, họ có được từ một nguồn tin đáng tin cậy.
Theo đó, 5 cựu đảng viên nói trên nằm trong số 7 người cùng bị đưa ra xét xử với ông Đường Văn Thái trong phiên tòa kín hôm 30/10.
BBC nhắc lại, ông Thái bị kết án 12 năm tù giam, ba năm quản chế với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Theo BBC, báo cáo vừa công bố của Dự án 88 cho hay, đã có ít nhất 60 người khác bị điều tra hình sự trong vụ án.
Chính quyền không công khai kết luận điều tra, cáo trạng và bản án hay bất kỳ chi tiết nào về những gì ông Thái hoặc đồng phạm của ông đã làm cũng như lý do tại sao họ bị đưa ra xử kín.
BBC cho biết thêm, trước khi bị bắt, ông Thái đã viết bài và sản xuất video đăng trên các kênh cá nhân, chỉ trích một số lãnh đạo, quan chức hàng đầu Việt Nam.
Trong một số video được xem nhiều nhất trên các kênh YouTube của mình, ông Thái đã cáo buộc các quan chức chính phủ tham gia vào các đại án tham nhũng, các đường dây rửa tiền và đàn áp người dân Việt Nam.
Nguồn tin của ông Thái được cho là rộng khắp, bao gồm cả các viên chức nhà nước.
BBC cho hay, theo bản án, 35 video và hai bài viết liên quan trong vụ án có nội dung chỉ trích tình trạng tham nhũng, và hối lộ của các quan chức cấp cao ở Việt Nam, và phổ biến các thông tin mật về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước.
Cơ quan An ninh Điều tra kết luận mục đích của ông Đường Văn Thái khi đăng các video là nhằm “chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo đó, các video có nhiều nội dung khác nhau như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp xếp nhân sự cấp cao, cáo buộc Bộ trưởng Công an Tô Lâm tham nhũng, vụ Việt Á và mối liên hệ với cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề ngân hàng SCB, nhân thân ông Võ Văn Thưởng, các cáo buộc chính quyền Việt Nam phân biệt tôn giáo,…
Vẫn theo BBC, báo cáo của Dự án 88 được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Việt Nam công bố Nghị định 147/2024 điều chỉnh việc sử dụng và cung cấp dịch vụ internet và thông tin trực tuyến.
Nghị định này, sẽ có hiệu lực từ ngày 25/12, mở rộng quyền kiểm soát của chính phủ đối với quyền truy cập thông tin trên internet, vì những lý do mà các tổ chức nhân quyền nói là “mơ hồ”, như “an ninh quốc gia” và “trật tự xã hội”, và để ngăn chặn các hành vi vi phạm “đạo đức, phong tục và truyền thống tốt đẹp” của Việt Nam.
Nghị định này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam, phải lưu trữ dữ liệu người dùng, cung cấp cho chính quyền theo yêu cầu, và gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào mà chính quyền coi là “nội dung bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ.
BBC thống kê, chỉ riêng năm 2024, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất 36 nhà người, với các mức tù dài hạn vì các bài đăng, hoặc livestream chỉ trích hành động hay chính sách của chính phủ.
Tất cả đều bị buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 117, hoặc “lợi dụng quyền tự do và dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước”, theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Xuân Hưng – thoibao.de